Ngày 31/12, RFA Tiếng Việt có bài: “Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông: Người dân băn khoăn về tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông”.
Theo đó, RFA cho biết, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, quy định nhiều mức phạt nặng cho các hành vi vi phạm luật lệ giao thông, với số tiền phạt tăng nhiều lần so với trước đây. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình về mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, nhưng cũng băn khoăn về tính chính xác, và minh bạch của việc xử phạt cũng như tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.
Theo nghị định về mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có 26 lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt bắt đầu vào ngày đầu năm mới. Mức phạt thấp nhất là từ 4 – 6 triệu đồng một vi phạm, và cao nhất là 30 – 40 triệu đồng một vi phạm.
RFA cho hay, theo quy định mới, tài xế điều khiển xe hơi sẽ bị phạt 18 – 20 triệu đồng nếu vượt đèn đỏ, tăng so với mức 4 – 6 triệu đồng theo các văn bản cũ (Nghị định 100, 123). Mức phạt mới đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy là 4 – 6 triệu đồng so với mức 800.000 đến một triệu đồng trước kia.
Mức phạt hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm khác cũng có mức tăng cao, như đi vào đường cấm, mở cửa xe hay để cửa xe mở không bảo đảm an toàn, sử dụng điện thoại khi lái xe, lùi xe hay đi ngược chiều trên đường cao tốc…
RFA dẫn lời một luật sư ở Hà Nội, người sử dụng xe máy để đi lại, đồng tình với mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam bằng việc tăng mức phạt:
“Vấn đề là làm thế nào để việc xử phạt được đúng luật, nghiêm minh, tránh việc tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông, gây bức xúc trong xã hội bấy lâu nay”.
Vị luật sư này cho biết hiện nay có cơ chế người bị phạt hành chính về vi phạm giao thông, có quyền khởi kiện hành chính nếu thấy mình bị oan, nhưng “quá trình tố tụng và kết quả thì ít khi thuận lợi cho người dân, cho dù về thủ tục khiếu kiện không phức tạp”.
RFA trích nhận định của Facebooker Dương Quốc Chính, với 86 ngàn người theo dõi, cho rằng việc tăng mức xử phạt sẽ tăng ý thức của người dân nhưng cũng sẽ “thúc đẩy việc ăn chia” giữa người vi phạm với cảnh sát giao thông.
Theo ông, tài xế sẽ tăng cước phí giao thông vận tải, taxi, xe ôm để bù vào rủi ro bị phạt và sẽ tác động tới chi phí sản xuất và làm lạm phát tăng, và nguy cơ người vi phạm bỏ lại phương tiện giao thông, vì mức phạt sẽ quá cao so với giá trị của xe.
Một phụ nữ ở Hà Nội, người sử dụng cả xe máy và ô tô để di chuyển, cho rằng, mức phạt áp dụng từ ngày mai là quá cao so với mức lương cơ sở 2.34 triệu đồng/tháng hiện nay. Bà nói trong bức xúc:
“Đó là hành vi ăn cướp ẩn dấu dưới vỏ bọc phạt, vì tiền phạt tăng rất cao nhưng lại không được dùng để đầu tư vào các công trình công cộng mà lại để thưởng cho cảnh sát giao thông”.
Theo bà, việc phạt nặng chỉ làm tăng hành vi hối lộ và nhận hối lộ trong lĩnh vực này, và cũng không có công bằng vì người dân không có quyền giám sát việc xử phạt của cảnh sát giao thông.
RFA cho biết thêm, trên Facebook của mình, luật sư Nguyễn Văn Hoà ở Vũng Tàu cho rằng lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường giám sát và phạt nguội đối với nhiều lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là lỗi vượt đèn đỏ ngay cả trong lúc đường vắng.
Về băn khoăn của nhiều người khác đối với tiêu cực của lực lượng cảnh sát giao thông, ông cho rằng “Mọi người cứ chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn giao thông, thì cảnh sát giao thông không có lý do gì để thổi còi chặn xe của chúng ta cả!”
Xuân Hưng – thoibao.de